THẾ GIỚI NHIỄU NHƯƠNG VÀ SỰ LỰA CHỌN CỦA MỖI CHÚNG TA?

Thi Ngoc Giao Le

3/17/2022

Vừa qua trong các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga của phương Tây có hai lĩnh vực khá là nhạy cảm đó là năng lượng và phân bón do sự phụ thuộc của châu Âu vào hai mảng này từ Nga.

Về năng lượng thì Phần Lan đã có sự chủ động giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga từ lâu, nhưng phân bón hiện tại vẫn là vấn đề nan giải (đặc biệt là phân Kali - 60% lượng phân Kali sử dụng ở Phần Lan được nhập khẩu từ Nga và Belarus). Với phân đạm thì sự phụ thuộc của Phần Lan thấp hơn (chỉ khoảng 33% nhập từ Nga và Belarus). Tuy châu Âu chưa (dám) cấm vận nhập khẩu phân bón từ Nga nhưng có khả năng Nga sẽ cấm xuất khẩu phân bón vào châu Âu để trả đũa. Giá phân bón leo thang sẽ dẫn đến giá lương thực thực phẩm tăng vì nếu thiếu phân bón, năng suất sản xuất các loại hạt, ngũ cốc sẽ giảm, dẫn đến tăng giá thành ngũ cốc và kéo theo tác động kép là giảm nguồn cung ứng thức ăn cho gia súc từ ngũ cốc vv... Ở Phần Lan, khoảng 50% ngũ cốc được dùng làm thức ăn cho gia súc. Điều này kéo dài có thể dẫn đến xu hướng giảm sử dụng phân bón trong trồn trọt tại các nông trại ở châu Âu và giảm tiêu thụ thịt gia súc ở các nước phát triển (một xu hướng đã nhen nhóm cũng khá mạnh mẽ ở Phần Lan vì những quan ngại khác về môi trường)

Nghĩ đi nghĩ lại, em/con nhận thấy vẫn có điều tích cực gì đó le lói trước tình hình này như ông bà ta vẫn thường nói: cái khó ló cái khôn. Dịch bệnh, rồi chiến tranh buộc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại lối sống, cách sinh hoạt và những lựa chọn hằng ngày của chúng ta. Dịch bệnh kéo dài làm giảm hẳn lượng đi lại không cần thiết gây phát thải nhà kín. Còn xung đột ở Ukraine sẽ đẩy nhanh tiến độ các nước phát triển giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch đặc biệt nếu được cung cấp từ các nước có hệ giá trị không tương thích. Mặc dù việc cai không sử dụng các nguồn năng lượng rẻ này không thể xảy ra trong một sớm một chiều và sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng đã đến lúc, chúng ta phải đối diện với sự thật rằng: phải chấp nhận trả giá và chịu đựng một số sự phiền hà nhất định trong tương lai gần (giá cả mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng, chi phí điện nước, xe cộ, đi lại sẽ tăng vv...) để bảo vệ "công lý", "hoà bình", và môi trường mà chúng ta sinh sống trong tương lai xa.

Vậy, phải chăng tình hình bất ổn này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả người dân thường chúng ta để hành động mạnh mẽ hơn vì một thế giới bền vững hơn cho con em mình? Một vài cảm nghĩ đầu tuần em/con xin gửi đến cộng đồng mình ạ

Bài báo về tình hình giá phân bón: Yle https://yle.fi/news/3-12354167